Lượt xem: 595

Tư tưởng giáo dục mang tầm chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Việt Nam, một nước có nền văn hiến lâu đời, là một quốc gia có nền văn hóa, giáo dục sớm ra đời và phát triển vững chắc. Thầy giáo luôn được Nhân dân và lớp lớp học trò tôn trọng, kính nể, vì các thầy nêu tấm gương sáng về lòng hiếu học, tinh thần yêu nước, những phẩm hạnh của đạo đức thanh cao.

Sau khi giành được độc lập, thoát khỏi ách Bắc thuộc, giáo dục nhà trường được tổ chức quy củ, bên cạnh giáo dục dân gian. Các thầy giáo, những danh sư, những nhà yêu nước đã tạo dựng nên truyền thống vẻ vang của nhà giáo, đó là thầy Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Võ Trường Toản, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Nguyễn Đình Chiểu…

Sự xâm lược và đô hộ của thực dân Pháp từ giữa thế kỷ XIX cũng du nhập nền giáo dục tư sản thực dân, thay cho giáo dục nho học, với mục đích của chúng là làm cho dân ngu để dễ cai trị, như Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định. Song từ nhà trường của thực dân Pháp cũng đã xuất hiện nhiều thầy giáo, học sinh yêu nước, cách mạng, đã tích cực tham gia cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Mà trước hết đó là thầy giáo Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Và nhiều thầy giáo, học sinh yêu nước, cách mạng như: Trần Phú, Châu Văn Liêm, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu… đã trở thành những đảng viên cộng sản trung kiên, cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, những nhà nghiên cứu khoa học, nhà giáo dục xuất sắc.

Đảng, Nhà nước ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu, phát huy truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc. Trong lĩnh vực giáo dục, Hồ Chí Minh không chỉ là nhà tư tưởng, mà còn luôn hiện thân là người thầy mẫu mực chăm sóc sự nghiệp trồng người của dân tộc. Người cho rằng: “Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục”[[1]]. “Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em Nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội cho được. Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”[[2]]. Người còn khẳng định vai trò đặc biệt của giáo dục và coi xây dựng nền giáo dục mới là nhiệm vụ của cách mạng, và nhấn mạnh: “Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa”[[3]], cho nên giáo dục có vị trí vô cùng quan trọng, nó góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong bài nói chuyện tại lớp học chính trị cho các giáo viên cấp 2, cấp 3 toàn miền Bắc ngày 13-9-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng, Chính phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú. Đó là một trách nhiệm nặng nề, nhưng rất vẻ vang. Mong mọi người phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ”[[4]]. Chỉ có học tập mới tạo ra những con người có ích, những con người có đủ sức, đủ tài, vừa hồng vừa chuyên để “phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc”, đóng góp cho sự hưng thịnh của đất nước, để đưa đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu”, Người nhấn mạnh: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và Nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chính công, vô tư”[[5]].

Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng nên nhà trường không thể là một hòn đảo ở giữa Nhân dân. Trong chế độ của chúng ta, giáo dục đòi hỏi một sự cộng tác tay ba giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Theo Người cần phải có sự hỗ trợ của ba bộ phận: “giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình, để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy, nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”[[6]]

hực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, Đảng và Nhà nước ta luôn coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, đầu tư cơ bản cho chiến lược kinh tế - xã hội, xem giáo dục là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của đất nước. Giáo dục và đào tạo không chỉ là công việc của nhà trường mà là công việc chung của toàn xã hội. Toàn Đảng, toàn dân có trách nhiệm chăm lo sự nghiệp giáo dục. Từng người dân, từng gia đình, từng tập thể, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức kinh tế - xã hội, các tổ chức quần chúng cùng cộng đồng trách nhiệm đối với sự phát triển giáo dục và đào tạo và phối hợp tạo dựng môi trường giáo dục lành mạnh. Gia đình phối hợp tốt với nhà trường và xã hội trong sự nghiệp trồng người.

Đến nay quy mô giáo dục phát triển nhanh, thực hiện nền giáo dục toàn dân, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của Nhân dân. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã tăng mạnh về số lượng, chất lượng và được chuẩn hóa, ngày càng đồng bộ về cơ cấu. Các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục và đào tạo được quan tâm đầu tư và từng bước hiện đại hóa. Số trường lớp được xây dựng mới theo chuẩn quốc gia ngày càng tăng.

Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, đã tích hợp được những tư tưởng giáo dục mang tầm chiến lược, đi trước thời đại của Hồ Chí Minh, bảo đảm cho giáo dục Việt Nam phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và cũng là tiền đề quan trọng để nước ta phấn đấu có được một nền giáo dục tiên tiến trong khu vực./.



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, Hà Nội 1996, trang 183.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.402.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, Hà Nội 1984, trang 451.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 11, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 528.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 19.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 10, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 591



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 67
  • Hôm nay: 6747
  • Trong tuần: 77,454
  • Tất cả: 11,800,774